Vật liệu in ấn: Giấy in

Ngày đăng: 10:12:17 18/01/2019
Vật liệu in ấn: Giấy in
8.0 trên 10 được 2 bình chọn

Phân loại vật liệu in vì nhiều lúc tả cảnh cả ngày không xong với khách hàng, tôi hy vọng dùng bài viết này để tạo ra vài khái niệm cơ bản trước khi viết sâu hơn vào từng loại trong các bài riêng rẽ sau này.

Và có câu chuyện về giấy in để các Bạn hiểu được phần nào khó khăn trong lựa chọn vật liệu và nhà cung cấp ở đây.

Về cơ bản giấy thường chiếm tỷ lệ khoảng hơn 60% vật liệu thường xuyên sử dụng trong doanh nghiệp in thương mại, Chúng tôi cũng sẽ tập trung mô tả kỹ hơn về nhóm này.

image

Cách sắp xếp giấy in gọn gàng và sạch sẽ đáng mơ ước

  1. Nhóm Vật liệu in ấn  Giấy  in cơ bản (nhóm chủ đạo):

    • Tên giấy: Couche (Giấy tráng phủ) – Ốp (giấy không tráng phủ).

    • Định lượng giấy: Đây là yếu tố đầu tiên để phân biệt loại giấy khác nhau trong cùng một chủng loại giấy. Ví dụ điển hình hay nghe thấy như là giấy Couche 300, Couche 100 và được viết trong báo giá là C300g/m2; C100g/m2. Và cách hiểu ở đây đơn giản chỉ là 1 mét vuông giấy nặng bao nhiêu gam.

    • Giá giấy: Về cơ bản thì cách tính giá giấy là đồng nhất trong cùng một chủng loại giấy giống nhau. Ví dụ đơn giản cho mục này là nếu giá giấy Couche 300 là 30 triệu/ tấn thì giá giấy Couche 250 cũng là 30 triệu/ tấn (với giấy mỏng giá có thể điều chỉnh tăng/ giảm 200 đến 300k / tấn).

    • Kích thước giấy: Về cơ bản thì giấy in ở Việt Nam là giấy cuộn với các kích thước rất đa dạng, từ khổ ngang chuẩn 60cm, 79cm hay 109cm, dài để đảm bảo cân lên sẽ rơi vào khoảng 250 đến 500 kg/ cuộn. Giấy cuộn thì phù hợp nhất với đơn hàng từ khoảng 20 triệu trở lên vì phải đặt trước kế hoạch để xả cuộn thành tờ rời. Ngoài ra, giấy tờ giấy đóng ream được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp nhỏ, chi phí tất nhiên sẽ cao hơn giấy cuộn, nhưng ngược lại thì số lượng mua bao nhiêu cũng được, giấy không bị cong, ít bị ẩm hơn (đặc biệt mỗi dịp tết ra thì ẩm là nỗi kinh hoàng nhất trong ngành in). Kích thước cơ bản nhất các Bạn có thể khảo bài viết riêng về kích thước tại đây.

    • Bề mặt giấy tiêu chuẩn: Hiện nay khi nói về giấy tiêu chuẩn thì có thể phân loại thành 02 loại mặt giấy phổ biến và theo suy nghĩ chủ quan của tôi thì chúng có thể chiếm đến 70 – 80% số lượng sử dụng trong các sản phẩm in thương mại. Theo cách gọi của dân ngành in thì chỉ cần nói: giấy ốp (miền nam gọi là ford, nước ngoài thì là matte) nhưng tóm lại là giấy có bề mặt như có lớp phấn phủ bên trên (và cũng có cách miêu tả là giấy không tráng phủ), cách để tưởng tượng ra nhanh nhất loại giấy này chính là giấy Bãi Bằng (Tân Mai). Loại giấy thứ hai là giấy Couche (hay còn gọi là giấy gloss hay giấy có tráng phủ), bề mặt giấy bóng láng mà ta có thể thấy hầu hết các loại tờ rơi hay các quyển catalogs hay dùng.

  2. Nhóm vật liệu in ấn giấy Đề can:

Gọi là nhóm đề can vì thật ra nó cũng đủ loại, phong phú và phức tạp không kém gì việc in ấn cả. Thường thì cách nhanh nhất để báo cho khách chỉ đơn thuần là đề can Đài Loan hay hàng Amazon là mặc định biết rồi.

Về cơ bản thì đề can phần lớn đều được đánh thành cuộn có chiều dài từ 15 mét đến 30 mét và chiều ngang cuộn tiêu chuẩn với các khổ 53, 60, 102, 112 cm.

Tôi thì sẽ phân loại theo chất liệu tạo thành vật liệu in ấn giấy in đề can cho dễ và bản chất thì đó cũng cách ghi chung nhất trong các báo giá của ngành in:

  • Đề can giấy: thế là ai cũng biết bề mặt in của đề can hiển nhiên là giấy rồi, mặt in đương nhiên là màu trắng tiện cho việc in ấn. Mặc dù vậy thì tùy vào yêu cầu sử dụng mà nó cũng được chia ra vô số chủng loại khác nhau đáp ứng yêu cầu công việc cụ thể. Như chúng tôi thì thường sử dụng nhiều nhất là loại chịu lạnh vì có một khách hàng cần phải để trong tủ cấp đông với độ lạnh luôn ở mức âm 3 độ. Ngoài ra hiện nay đề can giấy còn có thêm loại đề can giấy Kraft hoặc da để mở rộng khả năng sáng tạo cho các nhà thiết kế.

  • Đề can nhựa: cái này các Bạn đi dán xe máy mới mua hay thuê bên quảng cáo vào dán chữ sẽ dễ biết nhất. Nhưng cũng như đề can giấy, đề can nhựa cũng sẽ có loại chịu nhiệt cao, chịu lạnh sâu hay đề can nhựa màu, đề can trong. Về khổ thì cũng tương tự như đề can giấy, riêng đề can trong, đề can màu thì kích thước có thể đến khổ 1,6 mét.

  • Đề can vỡ: cái anh này thì chắc nhiều người biết nhất vì đi mua đồ điện tử, máy tính hay điện thoại di động không lạ gì hành động dán con tem bé tí ghi ngày bảo hành cả. Về cơ bản kích thước của đề can vỡ là 49 cm chiều ngang, điều cần lưu ý ở đây là ngược với suy nghĩ của hầu hết mọi người, Đề can vỡ cơ bản được điều chế thành loại “vỡ dai”, “vỡ trung” và “vỡ giòn”, nghe tiếng là các bạn biết công năng của nó rồi và chắc chắn tùy theo yêu cầu công việc để có lựa chọn phù hợp với sản phẩm cần dán.

  • Đề can bảy màu: cái này thì không có gì đặc biệt cả, về cơ bản có khoảng 10 loại đa sắc khác nhau, cái hay là một số trường hợp bạn chưa sẵn sàng kinh phí hoặc số lượng để đặt in tem laser (như các tem đảm bảo trên sách giáo khoa), một chút chế cháo với loại đề can này, Bạn hoàn toàn có một con tem bảo đảm trông cũng khá người lớn rồi.

3. Nhóm vật liệu in ấn giấy Mỹ thuật:

Nhóm giấy này rất được các khách sạn hạng sang ưu ái và rất được các nhà in “ưu ái” né tránh, lý do thì cũng khá đơn giản: đắt tiền (thường đắt hơn khoảng 5 đến 7 lần so với nhóm giấy cơ bản cùng định lượng, cùng kích thước), giá giấy cao quá rồi thì giá sản phẩm cũng cao khủng kiếp nên có sơ sảy gì thì có khi mất tết. Về sử dụng loại giấy này thì chỉ cần lưu ý là nó cực kỳ khó in đẹp và chuẩn màu khi chỉ định in trên máy in công nghiệp (đối với máy in digital hay máy in kỹ thuật số thì lại ngược lại).

Sự đa dạng của nhóm này là không biên giới (có thể vì tên nó như vậy), điều Bạn cần lưu ý là kích thước của nó, kích thước giấy mỹ thuật cũng gần đa dạng như giấy phổ thông và rất nhiều nhà in đã vỡ trận vì sự chủ quan khi không hỏi lại nhà cung cấp trước khi tính giá dẫn đến phát sinh chi phí lớn khi bắt tay vào sản xuất. Bạn đặt hàng in ấn trên loại giấy này cũng cần nhà in đảm bảo đã báo giá đầy đủ và chuẩn xác để tránh lên dự trù chi phí rồi lại phải sửa lại (một số sếp nhất định không đồng ý sửa và bắt nhân viên chịu trách nhiệm là bỏ việc).

4. Nhóm vật liệu in ấn giấy Bao bì:

Bao bì ở đây mình muốn nhắc đến tất nhiên không liên quan đến mảng hộp cứng vì nó khá chuyên dụng và khác biệt. Giấy bao bì ở đây mình chỉ tập trung vào nhóm bao bì “mềm” thôi và hai đại diện ưu tú nhất chính là:

  • Giấy Duplex: Đây chính là dòng giấy chủ lực trong lĩnh vực bao bì vì rẻ, đa dạng khổ, Giấy Duplex thường dễ nhận ra bởi một mặt trắng và một mặt sần sần, đen đen. Dòng giấy này có xuất xứ khá đa dạng từ các nước cũng như trong nước cũng sản xuất được với số lượng đủ dùng, một điểm cần lưu ý là giấy Duplex khá ‘mềm’ và không được ‘đanh’ khi cầm, nhất là với các loại định lượng thấp hoặc trung bình. Để có một sản phẩm cầm ‘chắc tay’ và kích thước khoảng A5 thì nên sử dụng định lượng tối thiểu khoảng 350g/m2.

  • Giấy Ivory: cái tên ngà voi chắc cũng đủ để miêu tả về loại giấy này rồi, nhưng ngày nay thì nó cũng đã bị thay đổi khá nhiều. Về cơ bản thì giấy Ivory cũng là giấy 2 mặt khác nhau, một mặt ngà và hơi sần và một mặt trắng (hơi ngà) bóng. Ngược lại với giấy Duplex ở trên mọi phương diện, giấy Ivory đắt hơn 35 đến 45% so với giấy Duplex cùng kích thước và định lượng, nhập ngoại hoàn toàn, cầm rất đanh tờ giấy. Các sản phẩm bao bì cao cấp như hộp thuốc thì gần như 100% đều chỉ định sử dụng loại giấy này. Ngày nay, ngoài giấy Ivory một mặt thì cũng đã có giấy Ivory 2 mặt nhưng không quá phổ biến lắm. Giấy Ivory khi in số lượng lớn và sử dụng máy in công nghiệp cũng cần hết sức chú ý đến vấn đề lấm màu do khả năng thấm hút mực của loại này không được thực sự tốt lắm.

5. Nhóm Giấy Metalize:

Thật lòng thì không ai lại đi phân loại nhóm này cả vì về cơ bản nó không tồn tại, Tôi đề cập đến nó khi đứng ở phía khách hàng không có chuyên môn để hỏi nhà in nên liệt kê ở đây để giúp công việc có thể triển khai nhanh mà không cần hỏi đi hỏi lại.

Bản chất của loại này là: Giấy thông thường + màng mỏng Metalize = giấy metalize, thật sự đơn giản, để dễ hình dung thì bạn cứ cầm bao thuốc Vinataba là biết ngay (ngày nhỏ tôi còn nhớ trẻ con có cuộc thi xem ai bóc được hết sạch lớp màng trên bao thuốc đó, đó chính là màng metalize mà chúng ta đang đề cập đến).

Về màng thì cũng có khá nhiều loại màng khác nhau nhưng phổ biến nhất là màng nhôm và có màu gốc là màu trắng bạc và khoảng vài màu được làm sẵn như màu vàng 18k, 24k là các loại hay được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra khi Bạn có số lượng đủ lớn, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu pha màu và “nhuộm” màu cho màng nhôm gốc để tạo ra màu đặc trưng riêng mà bạn mong muốn.

Đế giấy để phủ màng lên thì cũng đa dạng tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn, ở Việt Nam thì phần lớn vẫn sử dụng giấy duplex làm đế phủ màng (như trong hộp kem đánh răng P/S hay dùng), tôi thì thích dùng với giấy Ivory hơn (như trong các hộp thuốc lớn) vì nó trông cứng cáp và sang trọng hơn.

Về In ấn trên màng metalize thì trước đây nó là sản phẩm độc quyền của một vài nhà in offset chế cháo thêm bộ phận lô chịu mực UV và dàn đều sấy UV là làm vua xứ mù, giá quát bao nhiêu thì cũng phải làm, không thì không biết đi đâu mà in, xấu mấy cũng phải nhận, anh ý giận lần sau thì chết với anh ý.

Cái gì cũng có thời của nó, ngày nay với việc phổ biến máy in nhanh kỹ thuật số cũng như một số đơn vị đã có đủ tiềm lực đầu tư nguyên máy in gốc UV thì đã giải quyết gần triệt để nạn bắt nạt ngày xưa rồi.

Bài viết dài quá và có thể Bạn cũng không đủ kiên nhẫn để đọc đến đoạn này, Nếu tôi có còn thiếu sót hay sai sót nào trong bài viết này, rất mong nhận được ý kiến đóng góp và tôi sẵn sàng xem xét để sửa lại trong thời gian nhanh nhất.

 
 

Gọi 0909.244.466 (24/24) hoặc ĐĂNG KÝ để nhận TƯ VẤN TỪ CHÚNG TÔI

Đăng ký tư vấn